Bảng giá đất của khu công nghiệp nào ở Đồng Nai sẽ tăng giá lên đến 43%

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi vừa chủ trì buổi họp nghe báo cáo về việc điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất giai đoạn 2020-2025. Theo báo cáo từ đơn vị tư vấn, UBND tỉnh đã có văn bản chấp thuận chủ trương vào tháng 8/2024, đồng thời kéo dài thời gian áp dụng bảng giá đất này đến hết năm 2025.

Trong đó, bảng giá đất của 4 khu công nghiệp tại Đồng Nai được đề xuất điều chỉnh tăng từ 17-43%. Cụ thể:

Khu công nghiệp Hố Nai: Giá đất tăng từ 1,7 triệu đồng/m2 lên 2 triệu đồng/m2. Khu công nghiệp này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1998 với tổng diện tích gần 500ha, do CTCP Khu công nghiệp Hố Nai làm chủ đầu tư.

Khu công nghiệp Thạnh Phú: Giá đất tăng từ 2,1 triệu đồng/m2 lên 2,7 triệu đồng/m2. Khu công nghiệp này có quy mô 177,2ha, do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sonadezi Long Bình làm chủ đầu tư.

Khu công nghiệp Ông Kèo: Giá đất tăng từ hơn 1,5 triệu đồng/m2 lên hơn 2 triệu đồng/m2. Đây là khu công nghiệp này có quy mô lớn nhất tại Nhơn Trạch với tổng diện tích 774,34ha, do Công ty Cổ phần Tổng Công ty Tín Nghĩa làm chủ đầu tư.

Khu công nghiệp Dầu Giây: Giá đất tăng từ hơn 1,2 triệu đồng/m2 lên 1,8 triệu đồng/m2. Khu công nghiệp này có diện tích 328,36ha, tổng vốn đầu tư ban đầu 566 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Dầu Giây làm chủ đầu tư.

Ngoài ra, bảng giá đất mới cũng bổ sung giá cho Khu công nghiệp công nghệ cao Amata Long Thành với mức 2,8 triệu đồng/m2, tăng gần 22% so với đề xuất trước đó.

Tại buổi làm việc, các bên liên quan đồng tình với chủ trương cần điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất, đặc biệt là đất công nghiệp vốn đang thấp. Việc điều chỉnh lần này là cơ sở để xây dựng bảng giá đất hàng năm áp dụng từ năm 2026. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cần điều chỉnh tăng một cách tổng thể, ví dụ điều chỉnh tăng theo hệ số hoặc tỷ lệ % đối với tất cả các khu công nghiệp để tạo sự đồng thuận của doanh nghiệp, đồng thời tránh bất hợp lý về mức giá các khu khác nhau.

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đồng tình bổ sung, điều chỉnh bảng giá đất đối với các tuyến đường mới, các khu tái định cư. Riêng đối với giá đất khu công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, cùng đơn vị tư vấn tính toán mức giá điều chỉnh phù hợp. Quan điểm của tỉnh là điều chỉnh tăng đảm bảo là thu đúng, thu đủ nguồn thu từ đất, tạo sự phát triển ổn định cho các doanh nghiệp.

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2030, Đồng Nai sẽ có tổng cộng 48 KCN, trong đó có các KCN chuyên sâu như khu công nghệ cao; khu công nghệ thông tin tập trung; khu đổi mới sáng tạo. Trong quy hoạch, có một số KCN diện tích lớn như KCN Bàn Cạn - Tân Hiệp (2.000 ha); KCN Xuân Quế - Sông Nhạn (1.819 ha). Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 31 KCN đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy khoảng 86%. Như vậy, từ nay đến năm 2030, Đồng Nai sẽ xây dựng thêm 17 KCN mới.

N.Đăng