Mới đây, nhà ga hành khách sân bay Long thành 35.000 tỉ đồng đã thành hình khối. Các hạng mục của “siêu” dự án này đang bám sát kế hoạch, đáp ứng theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Giai đoạn 1 dự kiến về đích năm 2026 càng tăng niềm tin cho thị trường bất động sản khu vực này.
Đồng Nai tập trung thu hút đầu tư vùng phụ cận sân bay Long Thành
Dự án sân bay Long Thành là điểm nhấn hạ tầng của Đồng Nai nói riêng, khu vực phía Nam nói chung. Ngoài khu vực Long Thành thì Nhơn Trạch, Định Quán, Cẩm Mỹ là các địa phương phụ cận hưởng lợi từ siêu dự án này.
Hiện nay, Đồng Nai đã và đang quy hoạch, mời gọi đầu tư nhiều dự án thương mại, dịch vụ, logistics vùng phụ cận nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động.
Song song đó, tỉnh này cũng nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, chuẩn bị các nguồn lực từ cơ sở hạ tầng đến nhân lực phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp.
Không thể phủ nhận, những năm gần đây, Đồng Nai đã trở thành địa phương có cơ sở hạ tầng năng động, toàn diện bao gồm đường bộ, đường hàng không, đường biển. Năng lực của tỉnh trong tương lai đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển, kho bãi của các doanh nghiệp trong vùng, hướng đến mục tiêu là trung tâm logistics quốc tế.
Để đạt được các mục tiêu trên, Đồng Nai đã và đang tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển logistics gồm 2 sân bay (sân bay quốc tế Long Thành và sân bay Biên Hòa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch là sân bay lưỡng dụng); cảng biển, cảng cạn/ICD, 4 trung tâm logistics, các tuyến đường sắt/cao tốc, bến xe với tổng quy mô dự kiến hơn 8,9 ngàn ha. Ngoài ra, còn có tổ hợp đổi mới sáng tạo, nghiên cứu 300ha trong đô thị sân bay và làng giáo dục 300ha tại Nhơn Trạch; trung tâm hội nghị triển lãm hàng không…
Trên thực tế, Đồng Nai vẫn đang thiếu các trung tâm thương mại, outlet quy mô lớn. Các chợ, siêu thị hiện vẫn chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Với bất động sản, nơi đây thiếu các dự án nhà ở cao cấp phục vụ các đối tượng khách hàng như chuyên gia, kỹ sư, lao động cấp cao của sân bay và các khu công nghiệp phụ cận.
Do đó, trong thời gian tới, tỉnh tận dụng được ưu thế của các điều kiện hạ tầng sẵn có và hạ tầng hình thành trong tương lai để kêu gọi các nhà đầu tư đến đầu tư các dự án trên tại Đồng Nai. Cụ thể, Đồng Nai định hướng sẽ tập trung thu hút nhiều dự án đầu tư đối với các lĩnh vực thương mại, dịch vụ như: trung tâm hội nghị triển lãm tập trung, trung tâm thương mại dịch vụ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm logistics... Đồng thời, tỉnh ưu tiên cho các dự án công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ làm nguyên liệu đầu vào phục vụ các dự án đầu tư tại các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam...
Với những lợi thế đó, địa phương này định hướng tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ, logistics. Đặc biệt, khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động sẽ là thỏi nam châm thu hút đầu tư các ngành công nghiệp, logistics, thương mại dịch vụ và đô thị. Từ đó, các dự án bất động sản cận kề sân bay cũng sẽ được hưởng lợi khá lớn từ định hướng phát triển này.
Chu kì mới cho bất động sản khu vực sân bay Long Thành
Những thông tin mới về tiến độ sân bay Long Thành liên tục được cập nhật khiến bất động sản Đồng Nai gần đây nhận được sự quan tâm tích cực của giới đầu tư lẫn nhu cầu ở thực.
Theo ghi nhận, hiện nay một số dự án bất động sản bao gồm căn hộ, nhà phố, biệt thự khu lân cận tại Nhơn Trạch, Long Thành, Cẩm Mỹ (Đồng Nai); hay Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu)… đang rục rịch đón đầu dự án sân bay Long Thành. Song, tín hiệu thấy rõ nhất ở khu vực Long Thành, Nhơn Trạch do có vị trí cận kề sân bay.
Sau khoảng thời gian trầm lắng theo nhịp thị trường chung, đến nay một số hoạt động về dự án tại Đồng Nai đã được “khuấy động” trở lại. Các doanh nghiệp cũng vào “guồng đua” nhờ hấp lực từ sân bay Long Thành.
Theo bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield, sự xuất hiện của sân bay Long Thành khiến bất động sản Đồng Nai có động lực phát triển. Nơi đây sẽ chứng kiến sự phát triển đáng kể ở tất cả các phân khúc, nhất là phân khúc nhà ở có vị trí gần khu vực sân bay.
Ngoài sân bay, trong thời gian ngắn tới sẽ hàng loạt những cây cầu kết nối Tp.HCM với Đồng Nai đi vào hoạt động, góp phần không nhỏ cho sự phát triển của thị trường bất động sản nơi đây.
Cụ thể, giữa Tp.HCM và Đồng Nai kết nối thông qua 3 cầu đường bộ gồm cầu Cát Lái, Đồng Nai 2 và Phú Mỹ 2. Trong đó, cầu Cát Lái sẽ được ưu tiên triển khai trước từ nay đến năm 2030, 2 cây cầu còn lại sẽ triển khai sau năm 2030.
Về vị trí xây dựng các cây cầu này, cầu Đồng Nai 2 sẽ kết nối giữa Tp.Thủ Đức với xã Tam An, huyện Long Thành có quy mô 6 làn xe. Cầu Phú Mỹ 2 sẽ kết nối phía Nam Tp.HCM với huyện Nhơn Trạch từ đường Nguyễn Hữu Thọ đi theo đường Hoàng Quốc Việt, vượt sông Đồng Nai sang huyện Nhơn Trạch, cắt ngang khu dân cư Phú Hữu.
Cùng với đó, nhiều dự án hạ tầng giao thông khác đã và đang được triển khai ở khu vực này. Chẳng hạn, tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đang xây dựng cầu Phước Khánh, giúp kết nối huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) với huyện Cần Giờ (Tp.HCM). Hay cầu Nhơn Trạch thuộc dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, khởi công năm 2022, dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2025.
Thực tế, sự khởi động của hạ tầng giao thông đã tác tác động không nhỏ đến bất động sản khu vực. Qua dữ liệu của các đơn vị nghiên cứu cho thấy, tại Đồng Nai 3 tháng đầu năm 2024, thị trường bất động sản đã có nhiều dấu hiệu tích cực . Cụ thể trong tháng 3, lượng tin rao bán đất nền tăng 80%, nhà mặt phố tăng 78%, nhà riêng tăng 68% và đất thổ cư tăng 71%. Cùng với đó, lượt tìm mua nhà riêng Đồng Nai tăng 63%, đất nền tăng 84% và tìm mua đất nền dự án Đồng Nai tăng 101% so với tháng trước đó. So với thời điểm năm 2023, đây là tín hiệu đáng mừng cho bất động sản địa phương.