Luật Nhà Đất - Sốt đất” đang xảy ra ở khắp nơi khi giá tăng vọt, nhiều người đổ tiền mua đi bán lại, trong khi mục đích sử dụng thực tế không nhiều.
- 9h sáng một ngày đầu tháng 3, còn tới một tiếng nữa mới đến giờ mở bán 50 lô đất nền nhưng đã có tới gần 400 khách, môi giới… xếp hàng đợi sẵn. Ôtô đỗ chật kín bên ngoài văn phòng bán hàng. Khu vực ồn ào như một phiên chợ. Người dùng điện thoại livestream, người cần mẫn nghe ngóng, người tranh thủ nhìn lại tấm bản đồ suy tính chọn lô nào.
- Đó là một dự án đất nền nằm ở huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên), gần ngay khu công nghiệp Yên Bình, cách không xa nơi Samsung Việt Nam đặt nhà máy với hàng chục nghìn công nhân. Lô đất còn được quảng cáo là “nhất cận lộ” khi gần quốc lộ 3, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và nhất là đầy đủ pháp lý để mở bán.
- Giờ mở bán bắt đầu, gần 400 người được miêu tả là “tranh cướp” đặt cọc. Chỉ sau 20 phút, chủ đầu tư báo "hết hàng". Nhiều người hụt hẫng khi không mua được đành ra về. Với tốc độ bán hàng như vậy, nhiều người nói vui rằng có lẽ chủ đầu tư sẽ thấy hớ khi chỉ chào bán đất nền 8 triệu/m2.
- Ngay lập tức, trên thị trường xuất hiện cò đất rao bán lại các lô đất nền tại dự án này trên thị trường thứ cấp. Giá vì vậy đẩy lên liên tục vượt xa mức ban đầu. Nhiều người vẫn quyết định đầu tư, chờ đợi và bán lại sinh lời cho người sau.
- Việc mở bán 50 lô đất nền ở Phú Bình chỉ là một “cơn sốt” nho nhỏ giữa hàng chục “cơn sốt” bất động sản đang xảy ra khắp mọi miền đất nước từ đầu năm đến nay. Nhiều người thậm chí nói rằng đất đang “sốt điên cuồng”, người người đổ đi mua đất, người người mua đi - bán lại. “
- Cơn sốt” của đất đang khiến thị trường bất động sản hỗn loạn, vượt xa nhu cầu thực sự, tiềm ẩn những rủi ro cả ngắn hạn và lâu dài.
- Từ thời Pháp thuộc, huyện Hớn Quản (tỉnh Bình Phước) được biết đến là vùng đồn điền rộng lớn trồng cây công nghiệp và với vị trí xa TP.HCM (hơn 100 km). Để thuận tiện đi lại, người Pháp đã xây dựng một sân bay nhỏ và đặt tên là Technique (người địa phương gọi là Téc-ních). Sau đó quân đội Mỹ nhận thấy vị trí chiến lược và đầu tư xây dựng một sân bay quân sự.
- Hiện tại, kinh tế ở Hớn Quản vẫn chủ yếu là nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông đi lại vẫn hạn chế. Vùng đất này như “ngủ quên” sau thống nhất, xung quanh vẫn chủ yếu là các đồn điền cao su, cây lâm nghiệp. Bởi vậy mà đất đai ở đây được nói vui rằng “rẻ như cho”.
- Cuối năm 2020, nếu một chủ đất ở Hớn Quản rao bán 500 m2 với giá 2 tỷ đồng sẽ bị nói là “điên”, bởi giá như vậy đã cao hơn bình thường 4-5 lần, thậm chí 10 lần ở một số khu vực. Nhưng chỉ vài tháng sau, khi một nhóm cán bộ tỉnh Bình Phước đi khảo sát một vài khu vực để có cơ sở đề xuất xây dựng sân bay, cái “điên” trước kia đã trở thành cái bình thường.
- Hàng trăm cò đất từ khắp nơi đổ về Hớn Quản sục sạo mua đất của người dân. Từ đất ở, đất nông nghiệp đến đất lâm nghiệp đều được hỏi mua với giá cao 4-5 lần, thậm chí 10 lần so với bình thường. Cò đất tung tin đồn về quy hoạch sân bay ở Hớn Quản, vẽ ra nhiều tương lai triển vọng nếu đầu tư đất. Cứ thế kéo người đầu tư hết nơi này đến nơi khác đến, mua đi - bán lại, giá liên tục đẩy lên cao.
- Phải đến khi chính quyền nói rõ không hề có dự án sân bay nào ở Hớn Quản, đưa ra các biện pháp mạnh ngăn chặn thì “cơn sốt” mới hạ nhiệt. Đến nay giá đất Hớn Quản đã giảm mạnh, nhiều người mua bị hớ, mua giá cao mà giờ đã lỗ, trong khi không bán lại được cho ai nữa.
- Lợi dụng tin đồn quy hoạch, xây dựng hạ tầng để “thổi giá” đất ăn theo là một trong những chiêu trò quen thuộc của giới đầu cơ trong những cơn sốt đất. Nhiều người gọi sốt đất như những “đợt sóng” để nói về chu kỳ tăng giá và coi việc “lướt sóng” kiếm lời là kênh kiếm tiền hấp dẫn. Công thức để tạo “sóng” chính là các thông tin hấp dẫn vẽ ra về tiềm năng lô đất.
- Những người mua đầu tiên sẽ bán lại cho những người khác và kèm theo về kỳ vọng tăng giá. Người mua tiếp theo lại kỳ vọng bán cho người tiếp theo với giá cao hơn để kiếm lời. Cứ thế, người này bán cho người kia, đến khi giá không thể đẩy lên được nữa, thì người mua cuối cùng sẽ là người thiệt hại, chịu lỗ hoặc "chôn vốn".
- Cách đây vài năm, khi Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong được nghiên cứu xây dựng đặc khu, các cơn “sốt đất” xảy ra liên tục. Hàng nghìn nhà đầu tư và môi giới đổ về đầu tư lướt sóng. Tại TP.HCM, khi TP Thủ Đức được nghiên cứu thành lập, những đợt sốt diễn ra khiến giá đất tăng vọt. Thậm chí, chỉ cần những đề xuất xây dựng đường ven sông Sài Gòn, xây khu đô thị Cần Giờ hay đưa một vài huyện lên quận cũng khiến cò có cơ sở "thổi giá".
- Tại Hà Nội, sốt đất từng xảy ra “điên cuồng” khi nhiều người gom đất các huyện ngoại thành sau thông tin Hà Tây được sáp nhật về Hà Nội hơn 10 năm trước. Đất Ba Vì - Hòa Bình vẫn là tâm điểm khi thông tin về một số tuyến đường sắp mở. Đất Đông Anh - Long Biên mỗi năm đều “nhảy múa” với những thông tin về xây cầu, làm đường…
- Hiện tại, theo thống kê, “sốt đất” đang xảy ra ở rất nhiều địa phương như Thái Nguyên, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Kon Tum, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu…
- Theo PGS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tài Nguyên - Môi trường (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường), điểm chung của những tin thổi giá đất ăn theo hạ tầng và quy hoạch là gieo đến “sự kỳ vọng”.
- Nghĩa là khi sự thay đổi về một con đường, một cây cầu, một bản quy hoạch… sẽ làm kỳ vọng giá cả tăng lên, từ đó tạo ra một làn sóng hấp dẫn nhiều người đổ tiền vào để đầu tư bán lại cho người khác để hưởng lời. Những người đầu tư phần lớn không có nhu cầu sử dụng, không biết thực chất công trình hạ tầng ấy bao giờ xây dựng, có thực sự hiệu quả hay không.
- Nguyên nhân dẫn tới sốt đất là nạn đầu cơ. Khi một dự án mở bán, một nhóm nhỏ người gom hết sản phẩm, sau đó tạo nguồn cung khan hiếm trên thị trường. Nhóm nay sau đó ra nguồn hàng ít ỏi, đẩy mặt bằng giá lên cao.
- Ông Thọ cũng cho rằng khi có dấu hiệu “sốt đất”, giá bất thường, hiện tượng gom hàng… nhiều địa phương lúng túng trong việc xử lý. Thậm chí khi một người gom hàng chục lô đất, để đó không đưa vào sử dụng, để bỏ hoang nhiều năm… cũng không bị xử lý. Điều này khiến việc đầu cơ đất diễn ra đơn giản, cũng là một trong những nguyên nhân gây ra “sốt đất”.