TTH - ACV dự kiến xây dựng nhà ga hành khách và đường cất hạ cánh Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào quý I/2022 trong trường hợp công tác giải phóng mặt bằng diễn ra thuận lợi.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) dự kiến triển khai công tác san nền vào tháng 9 năm nay, xây nhà ga hành khách và đường cất hạ cánh Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào quý I/2022.
Bộ Giao thông Vận tải đang chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương thực hiện để hoàn thành xây dựng trong quý I/2025 và kịp thời đưa vào khai thác vào cuối năm 2025.
Hiện tại, ACV đang triển khai một số hạng mục dự án thành phần 3 (các công trình thiết yếu trong cảng hàng không) như rà phá bom mìn (được khoảng 30%); xây dựng hàng rào (được khoảng 20%).
Đến nay, dự án đã thu hồi được hơn 1.200/2.532 ha (gồm 1.810 ha giai đoạn 1 và 722 ha đất dự trữ phục vụ giai đoạn 1) đạt 50,7%. Chi trả tiền giải phóng mặt bằng cho hơn 2.600 hộ dân bị ảnh hưởng, đạt 47%. Nếu không giải phóng toàn bộ mặt bằng sạch theo đúng tiến độ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến biện pháp thi công tổng thể giai đoạn 1.
Trên cơ sở này, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Đồng Nai đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là giải quyết các vướng mắc của 1.000 hộ dân nằm trong phạm vi giai đoạn 1 và xử lý các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước về công tác giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ giải ngân đảm bảo theo kế hoạch vốn đã giao trong năm 2021.
Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, dự án sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu của ACV tối thiểu khoảng 36.000 tỷ đồng, phần còn lại khoảng 63.000 tỷ đồng sử dụng vốn vay (không sử dụng bảo lãnh Chính phủ). Hiện nay, ACV gặp khó khăn trong việc xin phép áp dụng phương án vay bằng USD và trả bằng USD từ các ngân hàng trong nước có vốn cổ phần nhà nước chi phối.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Thủ tướng báo cáo Quốc hội quan tâm, xem xét bố trí nguồn vốn trung hạn 2021-2025 để các cơ quan quản lý Nhà nước có đủ nguồn vốn thực hiện.
Ngoài ra, dự án có nhiều hạng mục, khối lượng lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, sử dụng công nghệ hiện đại trên thế giới, do đó quá trình lập hồ sơ thiết kế, thẩm định, phê duyệt thiết kế và các thiết bị công nghệ mới sẽ gặp nhiều khó khăn; đồng thời quá trình triển khai phụ thuộc vào tư vấn nước ngoài rất lớn, đặc biệt trong việc huy động các chuyên gia nước ngoài sang làm việc trực tiếp tại Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.